Sự cai trị Ai Cập thuộc Hy Lạp

Chủng tộc và ngôn ngữ

Người Macedonia nắm giữ quyền chính trị và quân sự cao nhất trong lãnh thổ[29]. Thứ đến là các sắc dân khác thuộc tộc Hy Lạp (Arcadia, Crete, các thành bang Hy Lạp), giữ các chức vụ cao trong chính quyền trung ương và chính quyền địa phương[30]. Người tộc Hy Lạp được miễn làm xâu và miễn đóng thuế thân[31]. Tiếp đến là người các rợ: Thrace, Mysia, Galatia, Lycia, Lybia, người tộc Semites, đặc biệt là người Do Thái có nhiều quân đánh thuê được ưu đãi[32]. Người Ả Rập (thuộc tộc Semites) và người Ba Tư cũng có mặt khá đông đảo. Thấp nhất là người Ai Cập. Trong khi lính của các binh chủng ưu tú người Macedonia mỗi người được cấp 100 aroure[33]. đất, các binh chủng dị tộc mỗi người được từ 25 đến 70 aroure đất, lính thuộc chủng tộc Ai Cập chỉ được mỗi người từ 5 đến 7 aroure đất mà thôi[34].

Ngôn ngữ hành chính trong lãnh thổ là tiếng Hy Lạp. Tiếng Ai Cập được cho phép dùng, nhưng các giấy tờ, văn kiện đều phải được kèm theo với ít nhất là một bản tóm tắt bằng tiếng Hy Lạp[30].

Người Do Thái sinh sống rất đông đảo tại Alexandria. Trên đất Ai Cập, họ nói tiếng Hy Lạp, vì sau một hai đời di cư họ đã quên tiếng nguồn gốc. Kinh sách đạo Do Thái họ chỉ biết qua bản dịch bằng tiếng Hy Lạp[35].

Vua

Các vua nhà Ptolemaios đều xưng là "pharaon" đối với người Ai Cập và xưng là "basileos" (Quốc vương) đối với người tộc Hy Lạp. Hoàng hậu hoặc nữ hoàng xưng là "basilissa" với người tộc Hy Lạp.

Theo tín ngưỡng Ai Cập, "pharaon" phải là con của "pharaon", hoặc là con của thần linh. Họ thường dựng lên những huyền thoại là thần hiện đến ăn nằm với hoàng hậu mẹ, và sau khi hoàng hậu mẹ hạ sinh vị pharaon tương lai thì có sự công nhận đứa bé là "Thánh vương" do chư thần. Người ta tìm thấy một quyển tiểu thuyết tiếng Hy Lạp viết vào thế kỷ III, kể rằng pharaon Nectanebo II của Vương triều thứ 30, sau khi bị quân Ba Tư truất phế và đánh đuổi, đã dùng pháp thuật hiện sang Macedonia, với khuôn mặt của thần Amon, giao hoan với hoàng hậu Olympias để sinh ra vua Alexandros Đại đế.[36]Khi làm lễ đăng quang, các pharaông - quốc vương, nữ hoàng nhà Ptolemaios đều nhận được một "tên cúng", hoặc "linh hiệu", mà họ sẽ được quốc dân thờ cúng ngay trong lúc còn sống. Tên đó luôn được gắn liền với tên thần Alexandres (tên Ai Cập của Alexandros Đại đế), và vài vị thần khác. Các công văn, hợp đồng trong nước phải biên linh hiệu của quốc trưởng đang tại ngôi. Càng về sau, các "linh hiệu" càng dài, nên các chưởng khế viết tắt, ngày nay đọc không hiểu được nữa.[37]

Cung đình

Một số chức trong triều đình và trong cung cấm còn được biết đến ngày nay là [38]:

Ngoài ra, quyền thống lĩnh giới tu sĩ và quân đội nằm trong tay quốc vương.

Hành chính

Lãnh thổ Ai Cập được chia làm 3 nome, mỗi nome do một vị nomarch cầm đầu.[39] Vùng châu thổ sông Nile, nơi sông này tẻ ra các nhánh chảy ra bể, là một nome. Hai nome kia là dải đất dài nằm hai bên sông Nile, từ nơi sông tẻ nhánh cho đến biên giới phía nam.

Các thành phố của tộc Hy Lạp như Naucratis, PtolemaisAlexandria có quy chế riêng và có lẽ không trực thuộc quyền của nomarch. Thành phố lớn của người Ai Cập ở phía nam là Thebes và vùng phụ cận cũng có đơn vị hành chính riêng là Perithebes.

Mỗi nome chia thành nhiều toparchy, do các viên toparch cầm đầu. Đơn vị hành chính nhỏ nhất là làng, do chức comarch cầm đầu.

Những vị nomarch được giúp đỡ bởi chức basilicogrammate (bí thư của quốc vương). Ở cấp huyện và làng có topogrammate (bí thư huyện) và comogrammate (bí thư làng).

Mỗi viên chức thường nghe lệnh cấp trên như nô lệ nghe lệnh chủ, và cư xử như bạo chúa đối với cấp dưới.[40]